Mực in offset | Quy trình sản xuất mực in offset

Mực sử dụng cho máy in offset có dạng như hồ keo chứ không phải là dạng lỏng. Nó trông sệt và dính. Thường được đóng gói và bán theo từng lon. Hình ảnh dưới đây là những lon mực in offset Quattro của 4S Graphics.

Giống như tất cả các loại mực khác, mực in offset bao gồm ba thành phần:

– Chất liên kết hay chất dẫn (ink vehicle) là phần chất lỏng của mực, làm chức năng vận chuyển sắc tố lên vật liệu in. Thường là một vật liệu gốc dầu.

– Bột màu (Pigment) là thành phần của mực tạo ra độ bóng, màu sắc, cấu trúc và các đặc điểm khác cho hình ảnh in. Nó có thể có màu đen, trắng (đục hoặc trong suốt) hoặc có màu. Các bột màu thường được sản xuất từ các loại khoáng chất hoặc các dẫn xuất hữu cơ từ than đá. Các nguyên liệu khác như bột kim loại được sử dụng cho các loại mực đặc biệt.

– Các chất phụ gia khác để tạo ra các đặc tính phụ như: chất trợ khô, chất sinh khối làm tăng độ nhớt. Sáp giúp ngăn ngừa các lỗi trong quá trình in như dặm mực, vón cục và làm tăng khả năng chống trầy xước. Các nguyên liệu khác được thêm vào để giảm độ dính của mực, cải thiện sự đồng đều trên bản kẽm, ngăn ngừa oxy hóa và tăng cường các tính chất khác của mực.

– Mực cho máy in offset cuộn có xu hướng lỏng hơn và có ít dính hơn mực offset tờ rời. Hầu hết mực sẽ khô nhanh chóng mà không cần thiết bị bổ sung, nhưng cũng có mực được tối ưu hóa quá trình khô bằng tia hồng ngoại, tia cực tím hoặc chùm điện tử. Tất cả các loại mực offset đều chứa nguyên liệu kỵ nước vì công nghệ in offset dựa trên nguyên lý không hòa trộn của nước và dầu.

Mực UV năng lượng thấp

Trong vài năm qua, mực in uv đã trở nên phổ biến. Những loại mực này khô nhanh hơn khi tiếp xúc với tia cực tím và đã được sử dụng trong ngành công nghiệp in bao bì và nhãn hiệu trong nhiều thập kỷ. Hiện nay đèn sấy UV dạng LED năng lượng thấp giá rẻ có thể được sử dụng để làm khô mực nên loại mực này ngày càng được ưa chuộng.

Mực UV đem đến một số lợi thế:

– Mực khô nhanh hơn, nên máy in có thể chạy nhanh hơn và ít có nguy cơ dặm mực (mực chưa khô của tờ in bên dưới dính vào mặt sau của tờ in bên trên).

– Mực ít bị thấm vào bên trong vật liệu, vì vậy màu sắc rực rỡ và bóng hơn.

– Giảm phát thải dung môi hữu cơ.

– Phù hợp hơn để in trên vật liệu nhựa và các vật liệu không thấm hút khác.

– So với công nghệ UV truyền thống – tiêu thụ rất nhiều năng lượng và phát thải ozone – các hệ thống UV năng lượng thấp thế hệ mới đơn giản hơn và tiêu thụ năng lượng ít hơn rất nhiều.

Và cũng có một vài nhược điểm:

– Bạn cần một máy in có hệ thống sấy UV. Những máy in thế hệ thường tích hợp sẵn công nghệ này nhưng các cụm đèn LED UV cũng có thể được trang bị thêm trên các máy in hiện có. Theo một bài báo của Tạp chí Graphic Arts, 70% tất cả các máy in mới của Nhật Bản hiện nay là máy in UV năng lượng thấp.

– Việc ứng dụng các loại mực mới này ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình in, vì vậy bạn có thể phải đổi các tấm cao su và hóa chất dùng cho máy in. Các chất tẩy rửa tấm cao su và chất tẩy rửa bản kẽm được sử dụng với mực UV có hoạt tính mạnh hơn nên có thể kéo giảm tuổi thọ của các bản kẽm. Nếu những bản kẽm này bị hư, có thể cần ghi thêm những bộ kẽm khác đối với đơn hàng dài. Sự hao mòn ảnh hưởng đến các điểm tram nhỏ trước, vì vậy thợ in có thể nhận thấy việc mất chi tiết tông sáng sau vài (chục) nghìn lượt ép in.

– Mực UV đắt hơn đáng kể.

– Do thiếu hụt một số hóa chất cần thiết để sản xuất mực UV, đã có hiện tượng khan hiếm nguồn cung vào năm 2019. Những điều này đã  khiến giá mực tăng nhiều hơn nữa.

Những loại mực in offset đặc biệt

04 màu mực process thông thường hoặc mực pha có thể có các thuộc tính độc đáo. Chúng có thể cực kỳ bóng, chống xước, ít mùi, khô nhanh dưới ánh sáng UV, …, và tất nhiên cũng thường được tối ưu hóa cho một quy trình hoặc vật liệu in cụ thể. Bên cạnh đó, còn có những loại mực hiệu ứng đặc biệt. Chúng thường được sử dụng để in ấn phẩm quảng cáo, bao bì và nhãn hiệu nỗi bật. Một số còn được sử dụng cho mục đích bảo mật.

Mực nhiệt sắc: Mực này có thể thay đổi màu sắc hoặc trở nên trong suốt khi nhiệt độ tăng hay giảm. Một vài loại mực sẽ thay đổi màu sắc/độ đục nhiều lần còn một số chỉ thay đổi một lần. Mực nhiệt hoạt được sử dụng trong đồ chơi, chỉ báo pin và một số loại nhiệt kế. Chúng cũng được sử dụng thường xuyên trong bao bì, để hiển thị các thông điệp thương mại hoặc để chỉ báo xem sản phẩm đã đóng gói có đủ ấm hoặc lạnh hay không.

Mực kim loại: Những loại mực này có đặc tính giống như kim loại. Chúng chứa các hạt kim loại nổi lên bề mặt sau khi in, phản xạ ánh sáng và tạo ra ánh kim loại để mô phỏng các vật liệu như kẽm, đồng, vàng hoặc bạc. Mực nhằm tạo ra hiệu ứng lấp lánh kim loại được gọi là mực kim tuyến.

Mực gương: Mực gương là một loại mực kim loại đặc biệt. Khi in ở mặt sau của vật liệu trong suốt như thủy tinh, polyester (PE) hoặc poly-carbonate (PC), sẽ cho ra hiệu ứng như gương. Hiệu ứng này có thể được thực hiện với in offset nhưng cũng có thể thực việc bằng in lụa.

Mực ngọc trai: Các sắc tố gốc oxit kim loại trong các loại mực này mang lại độ bóng đặc trưng cho hình ảnh in tương đương với độ bóng kèm ánh bảy sắc của ngọc trai.

Mực giả dấu chìm: Như tên gọi, những loại mực không màu này tạo ra hiệu ứng dấu chìm

– Mực lưu hương: Những loại mực này tạo ra mùi hương khi bề mặt in bị cọ xát. Loại  mực này có các hạt nhỏ cỡ nano để lưu hương. Cọ xát bề mặt mực sẽ làm vỡ các hạt nhỏ này để giải phóng mùi hương.

– Mực dành cho thẻ cào: Vé số cào trúng ngay được ứng dụng một lớp mực thẻ cào dày. Mực thẻ cào này còn được sử dụng để che giấu mã bí mật cho các chương trình khuyến mãi trên lon/chai đồ uống hoặc các loại bao bì khác. Đầu tiên, một lớp verni trung gian hoặc lớp phủ UV được in rồi sau đó là lớp mực thẻ cào được in lên trên. Hiệu ứng có thể thực hiện bằng in lụa hay in offset. Với offset, bạn có thể phải in nhiều lớp lên nhau để có được kết quả tốt.

Mực từ tính: Những loại mực này được sử dụng như một biện pháp bảo mật với chi phiếu và các giấy tờ giá trị cao khác. Chúng chứa các hạt có từ tính nên sự hiện diện có thể được phát hiện bằng các cảm biến từ. Một bản sao giả được in bằng mực thông thường sẽ không vượt qua bài kiểm tra bằng đầu đọc MICR (nhận dạng ký tự mực từ tính).

Mực phát quang: Loại mực này có hai nhóm nhỏ: Mực bảo mật phát quang, đôi khi được gọi là mực đánh dấu hoặc mực kích ứng bởi tia UV/Hồng ngoại: sẽ sáng rực lên khi tiếp xúc với tia cực tím hoặc ánh sáng hồng ngoại. Chúng được sử dụng như một biện pháp bảo mật trên tiền giấy và giấy tờ có giá trị cao khác. Loại còn lại mang tính nghệ thuật nhiều hơn là mực dạ quang, sẽ tạm thời phát ra ánh sáng yếu khi đặt trong bóng tối.